Wednesday, July 3, 2013

Thương mại điện tử cần những gì?

Thương mại điện tử

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh doanh. Nó đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế. Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển nhất thế giới.

Ở Việt Nam, thương mại điện tử vẫn chỉ như một em bé, nó chưa chạm tới giai đoạn "dậy thì" để đứa trẻ đó trở thành thanh niên, và gây ra giai đoạn bùng nổ mua bán qua mạng.

Giờ trong bài viết này mình muốn trả lời 2 câu hỏi:
  • Tại sao thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Và...
  • Những yếu tố nào là nền tảng để thương mại điện tử phát triển.
Chính việc bạn đang đọc bài viết này là nguyên nhân tại sao nền kinh tế ngày càng có xu hướng chuyển dịch về thương mại điện tử!

Bạn dành bao nhiêu tiếng để lên mạng? nó có xu hướng ngày càng tăng và có thể đã vượt thời gian xem tivi và đọc báo giấy rồi phải không? Khi muốn mua cái gì đó bạn sẽ google, hoặc tham khảo ở diễn đàn nào đó thân quen, rồi rất có khả năng bạn lên facebook đặt câu hỏi với mọi người?

Tóm lại, giờ đây công cụ để bạn tham chiếu thông tin mua hàng có chiều hướng dịch chuyển qua việc tham khảo trên Internet thay vì đến cửa hàng trực tiếp hoặc đọc thông tin in trên giấy hay xem quảng cáo trên Tivi.

Lý do lớn nhất cho sự thay đổi này chính là vì Internet cho bạn cái nhìn toàn diện, đầy đủ, khách quan và chủ động hơn. Do vậy, bạn đã hiểu rằng Internet trở thành phương tiện hàng đầu để tiếp cận khách hàng. Và rất nhanh chóng thôi, những người bán hàng bắt đầu tạo các gian hàng trên mạng, và cuộc đua được khởi phát...

Điểm mạnh nhất của Internet là khả năng kết nối và cung cấp thông tin, và chính khả năng xếp hạng thông tin theo thứ tự từ 1 đến 10 là yếu tố biến Google thành một trong các công ty giàu có và thế lực nhất trên thế giới!

Nền tảng của thương mại điện tử

Nếu bạn từng mua một thứ gì đó trên mạng, bạn đã làm quen với một vài nền tảng mà có thể bạn không chú ý cho lắm. Dưới đây trình bày một số thứ như vậy:

A. Internet: Ít người nghĩ đến điều này đầu tiên, nhưng nếu không có nó, bạn đã không đọc được bài viết này của tôi. Muốn có nền thương mại điện tử phát triển Internet phải trở nên phổ cập, để internet trở thành cái chợ lớn nhất mà bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể bước chân vào mua sắm.

B. Thanh toán trực tuyến: nghĩa là bạn không cần đến tận nơi và trả tiền, bạn có thể gửi tiền của mình thông qua mạng internet cho người bán, họ xác nhận đơn hàng và gửi lại hàng cho bạn. Ở giai đoạn đầu của TMĐT, thanh toán trực tuyến chưa phải là yêu cầu thiết yếu vì người mua thường muốn nhận được hàng mới trả tiền. Tuy nhiên về lâu dài, thanh toán trực tuyến là điều không thể thiếu, vì bản chất và lợi ích nhất của TMĐT là giao dịch mua bán từ xa - không cần gặp mặt.

C. Bảo mật thông tin: nếu thanh toán trực tuyến nôm na là tiền thì bảo mật thông tin là két sắt. Khi bảo mật thông tin không tốt, sẽ không ai tham gia mua bán trực tuyến, bởi vì thông tin tài khoản của họ có thể bị xâm nhập và rút tiền trái phép. Bảo mật không chỉ liên quan đến tài chính, nó còn liên quan đến thông tin riêng tư của khách hàng, như tên, tuổi, giới tính, họ mua những gì…

D. Giao hàng: Trừ một số mặt hàng (như mua sách điện tử, thuê phim trực tuyến…) thì hầu như sản phẩm phải giao tận nơi cho khách hàng. Tuy vậy đây là vấn đề dễ bị xem thường nhất. Giao hàng là nơi bạn ít phải ứng dụng công nghệ thông tin – là khúc cuối của TMĐT, nhưng lại là cái mà nếu không có nó,  nỗ lực kinh doanh trên mạng trở nên vô nghĩa.

Thanh toán trực tuyến, bảo mật thông tin là vấn đề phần lớn thuộc về công nghệ, nó là lĩnh vực chung toàn cầu nên dễ dàng nhập khẩu những công nghệ đó – bạn mua phần mềm tiên tiến, thiết bị chuyên dụng và thuê chuyên gia – OK, bạn đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ. Thế nhưng giao hàng không nhập khẩu được, người lái xe là người Việt Nam, giao thông là giao thông Việt Nam! Với tôi đây chính là điểm yếu nhất của TMĐT nước nhà…

Rất nhiều gian hàng nhỏ và vừa trên mạng phải tự mình vận chuyển hàng hóa hoặc đi thuê cá nhân ai đó vì họ không tìm được dịch vụ thích hợp của bên thứ ba, mặc dù nhu cầu là rất lớn. Việc tự mình vận chuyển làm họ trở nên khó khăn về khung thời gian, cũng như cắt giảm các nỗ lực phát triển gian hàng. Còn khi tự đi thuê cá nhân, họ phải bỏ ra một số tiền tương đối lớn, đồng thời chưa chắc là đã tìm được người giao hàng tin tưởng, có trách nhiệm và cẩn thận.

Dịch vụ của bên thứ ba là giải pháp tốt nhất vì:
  • Người bán Không phải bận tậm về vấn đề giao hàng, vì đã có dịch vụ chuyên nghiệp thực hiện, người bán chỉ cần tập trung vào chuyên môn.
  • An tâm về hàng hóa trong quá trình vận chuyển không bị mất cắp, hỏng hóc, đổ, vỡ…Vì bên giao hàng phải chịu trách nhiệm.
  • Tạo ra dịch vụ tốt hơn đối với người mua.
  • Giảm thiểu chi phí cho giao hàng.

No comments:

Post a Comment