Sunday, October 12, 2014

Bảo mật 2 lớp cho tài khoản tên miền trên name.com

Bảo mật 2 lớp là hình thức gia tăng bảo vệ tài khoản. Ngoài mật khẩu, bạn cần một mã số bí mật - chiếc chìa khóa thứ hai, mà thường từ thiết bị thiết thân - ví dụ như điện thoại di động.

Ai dùng bảo mật hai bước cho tài khoản Google đều hiểu rõ điều này, mỗi khi đăng nhập trên máy tính lạ, sẽ có cuộc gọi tới điện thoại thông báo mã số bí mật. Nếu người nào biết được mật khẩu nhưng không có điện thoại trong tay cũng không thể truy cập vào tài khoản của bạn.

Name.com là một trong những nhà đăng ký tên miền rất uy tín. Họ cung cấp cho bạn tùy chọn gia cố tài khoản bằng 2 lớp mật khẩu bằng chương trình NameSafe hợp tác với hãng bảo mật Symantec.

Bạn dùng điện thoại truy cập vào địa chỉ http://m.verisign.com/ sau đó tải ứng dụng tương ứng với hệ điều hành rồi cài đặt.

Sau khi cài đặt bạn sẽ thấy giống như thế này:

Bảo mật 2 lớp

Sau đó bạn đăng nhập vào name.com, truy cập vào khu vực namesafe tại địa chỉ: https://www.name.com/services/namesafe rồi vào phần quản lý. Có 3 ô cần điền như hình bên 
dưới:

Điền thông tin bảo mật

Cái Credential Allas là tên thiết bị để phân biệt thôi nên bạn điền gì cũng được, ví dụ như Phone,  MyPhone, DienThoai...

2 thông số còn lại thì không thể tùy tiện mà là những thông số bạn phải lấy từ chương trình vừa cài. Credential ID là giá trị cố định với từng thiết bị. Security Code gồm 6 số, cứ sau 30 giây sẽ thay đổi một lần - Về sau đây chính là mã số bí mật của bạn.

Sau khi điền đầy đủ bạn nhấn Add Credential, thiết bị có mã bảo mật sẽ được gắn với tài khoản của bạn. Mỗi khi bạn đăng nhập, phải có Security Code mới đăng nhập thành công.

Lưu ý bạn có thể thêm nhiều thiết bị vào tài khoản. Tôi khuyên là nên thêm để phòng việc mất thiết bị ảnh hưởng đến quá trình đăng nhập của bạn. Bạn có thể thêm một điện thoại tin tưởng khác, Security Code cũng cài đặt được trên Desktop.

Giao diện trên Desktop
Security Code cài trên Desktop
Dưới đây là giao diện đăng nhập mới sau khi sử dụng thêm Security Code:

Đăng nhập yêu cầu phải có Security Code

Cuối cùng sau khi đăng ký Security Code, NameSafe cung cấp 2 hình thức liên hệ với họ trong trường hợp có vấn đề đó là câu hỏi bảo mật và mã PIN. Câu hỏi bảo mật do bạn tự nghĩ và cũng tự trả lời, mã PIN yêu cầu có ít nhất 4 ký tự.

Vậy là sau khi cài đặt xong các bước trên bạn đã gia tăng thêm bảo mật. Hãy chú ý cài thêm trên vài thiết bị đề phòng xảy ra vấn đề nếu bạn chỉ sử dụng một thiết bị duy nhất.

Friday, October 10, 2014

Một số nhà đăng ký Domain uy tín

Tên miền có cái gì đó giống Bất Động Sản, những tên miền đẹp thì bị mua gần hết rồi! Nhưng có điều nó khác bất động sản rất nhiều: Tên miền có thể có giá trị hơn cả ngàn lần phí duy trì hàng năm của nó, thậm chí điều này chỉ cần 1 năm là đủ.

Do vậy điều rất quan trọng là đừng tiếc tiền mua domain giá rẻ, hãy chọn những nhà cung cấp uy tín, vì thực ra tên miền không đắt. Chỉ khoảng 10 - 15 đô cho phí duy trì trong một năm cho những đuôi phổ thông (.com, .net, .org,. info).

Bây giờ tôi sẽ liệt kê 3 nhà cung cấp mà bạn an tâm tin tưởng khi sử dụng dịch vụ của họ:
  1. https://www.godaddy.com/ - Có lẽ cái tên GoDaddy không có gì xa lạ, đây là nhà đăng ký được nhiều người Việt Nam biết đến. Họ cũng quảng cáo rất rầm rộ. Đăng ký lần đầu tại GoDaddy giá thường rất mềm, cỡ 3 đô thôi, nhưng phí duy trì các năm sau lại cao hơn các nơi khác (có lẽ để họ bù cho năm đầu giá rẻ)
  2. http://www.name.com/ - Không nổi bằng GoDaddy nhưng cũng được nhiều người biết. Nhà đăng ký này cũng bố cùng mẹ với enom. Phí duy trì của name ổn định, đuôi phổ thông .com rẻ hơn GoDaddy chút ít.
  3. https://www.register.com/ -  Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC) có lần khuyên nếu bạn đăng ký domain ở nước ngoài nên đăng ký ở đây. Register có đặc điểm là phí đăng ký tên miền nếu bạn chỉ đăng ký 1 năm sẽ rất đắt, đắt hơn 2 - 3 lần so với nơi khác. Nếu bạn đăng ký thời gian dài tới 5 năm, sự khác biệt về giá sẽ không lớn lắm.
Và để tránh rủi ro, hãy phân tán các tên miền của bạn trên các nhà đăng ký khác nhau, sử dụng mật khẩu mạnh, không sử dụng mật khẩu giống nhau. 

Đa số các dịch vụ đều để autorenew - đây là tính năng tự động gia hạn tên miền khi tên miền hết hạn. Bạn cũng nên để như vậy, ít ra là với tên miền quan trọng.

Lúc nào cũng phải chú ý ngày hết hạn của tên miền. Nếu bạn không để ý, người khác có thể mua tên miền đã hết hạn của bạn. Thường thì ít nhất họ cũng gửi vài email đến nhắc nhở bạn trước khi tên miền được giải phóng, nên một chú ý nữa là hãy sử dụng email bạn thường xuyên dùng để đăng ký.

Với những tên miền quan trọng hãy gia hạn 3 năm hoặc 5 năm hay thậm chí 10 năm để bạn an tâm không quên mất nó.

Sử dụng email thật, tên thật và số điện thoại thật để đăng ký, phòng trường hợp cần xác minh hoặc nhận thông tin từ nhà cung cấp.

Một số dịch vụ gia tăng của nhà cung cấp như:
  • Ẩn thông tin email, số điện thoại: đây cũng là tính năng tốt - đặc biệt cho những trang web nổi tiếng, bạn sẽ đỡ bị làm phiền và đỡ bị lừa đảo. Dịch vụ này khoảng vài đô một năm. 
  • Gia hạn dự phòng trong trường hợp hình thức thanh toán bị lỗi: Cái này kiểu như bạn ra ngoài chợ mua đồ - tiền thì bạn có trong ví nhưng bạn lại quên ví ở nhà :) ...Nhà cung cấp bảo bạn trả trước tiền (thường là 1 năm duy trì) phòng trong trường hợp thẻ thanh toán của bạn có vấn đề thì tên miền vẫn được duy trì ít nhất 1 năm nữa - thừa đủ thời gian cho bạn giải quyết các vướng mắc.
Nhớ là đừng nhấn vào các link vớ vẩn gửi vào email, đặc biệt là các email dọa dẫm này nọ kiểu như chúng tôi cần cập nhật mật khẩu nhà đăng ký tên miền của bạn, bla bla...Nếu không bạn lại mất oan tên miền.

Đa số các nhà cung cấp tên miền chưa có bảo mật 2 lớp tại thị trường Việt Nam do vậy hết sức bảo mật mật khẩu của bạn!

Với email nên dùng của Gmail. Dịch vụ mail của Google cho phép bạn thiết lập xác minh mật khẩu 2 lớp để tránh đối tượng cướp email, hãy nhớ thiết lập để tránh rủi ro cho tên miền.

Một chút không hài lòng về dịch vụ Hosting và Domain

Tôi có một trang web bán hàng - cái này là làm cho khách. Sử dụng hosting của nhà cung cấp uy tín hàng đầu thế giới là XYZ (tôi không tiện công khai tên). Tên miền tôi sử dụng tại nhà cung cấp của Việt Nam.

Cách đây vài ngày có xảy ra sự cố, sáng ngày hôm đó khách hàng báo cho tôi là trang web không thể truy cập được.

Tôi gấp rút kiểm tra, có nghi ngờ là do vấn đề họ cập nhật lên phiên bản Ubuntu mới nhất - nhưng cũng không rõ cụ thể là vì cái gì? Tôi chát với nhân viên tư vấn bên XYZ, họ nhanh chóng trả lời là do Database không được trỏ về host.

Một sự thay đổi hết sức nghiêm trọng bên họ nhưng không hề thông báo email cho tôi biết sớm. Bởi vì tôi không dùng nameserver của XYZ mà dùng cách trỏ tên miền về địa chỉ IP nên nếu XYZ thay đổi điều gì đó, trang web sẽ mất liên kết.

Trong một bức thư trước đó họ gửi cho tôi, chỉ có thông báo cập nhật, không hề thông báo thay đổi IP của MySQL (Database)

Tôi dùng XYZ hơn nửa năm nay, phải nói là không có gì phải than phiền, tốc độ tốt, chịu tải khỏe, chưa bao giờ mất kết nối, tuy nhiên lần này tôi không hài lòng chút nào.

Điều thứ hai là về Domain. Khách hàng có 2 trang web trên host đó, sau khi XYZ cung cấp cho tôi địa chỉ IP mới của Database (MySQL) tôi đã nhanh chóng truy cập vào phần trỏ tên miền đề điều chỉnh, trong khi Domain đăng ký ở nước ngoài mất khoảng 30s để cập nhật DNS mới thì phải hơn 30 phút sau Domain đăng ký ở Việt Nam mới thành công.

Có lẽ thiệt hại của bên đối tác là xấp xỉ 1/10 doanh thu.

Nếu họ có thu nhập 10 triệu một ngày, sự cố đã làm họ mất 1 triệu. Do vậy nếu bạn là doanh nghiệp kinh doanh online hãy cố tìm cho được dịch vụ tên miền và hosting tốt nhất trong tầm với. Bởi vì rất có thể 1 tiếng sự cố còn tốn kém hơn chi phí một năm bạn thuê dịch vụ chất lượng cao.

Friday, October 3, 2014

Nội dung có phải là Vua không?

Ở đâu đó người ta nói thế này: nội dung không phải là Vua, cách phân phối nội dung mới là Vua. Tôi cho rằng cái này rất đáng để suy nghĩ.

Nếu bạn sở hữu nội dung độc nhất, sáng tạo tuyệt vời, bạn đang ở trên đỉnh vời vợi mà đối thủ vì không cao nên vẫn phải ngước nhìn - ấy là khi nội dung của bạn là Vua. Vua bởi vì tính duy nhất của nó.

Rồi thì vì sự hấp dẫn không thể cưỡng lại ấy, nền công nghiệp nội dung ra đời. Bạn sáng tạo, người khác cũng sáng tạo, bạn tìm tòi, người khác cũng tìm tòi. Điều đấy nảy sinh một vấn đề hết sức rõ ràng: nội dung trở nên vô cùng phong phú và cạnh tranh. Bạn không còn độc nhất nữa.

Bạn rơi tõm từ đỉnh cao danh vọng và bạn bị sốc!

Đây là điểm bạn buộc phải suy nghĩ? Bạn đã rất cố gắng, bạn đã tạo ra nội dung rất hấp dẫn, nhưng người khác cũng vậy! Làm sao bây giờ?

Thế thì nội dung không phải là yếu tố quyết định nữa. Nó là yếu tố cần như chưa đủ. Cách phân phối nội dung trở nên vô cùng quan trọng.

Nội dung của bạn phải tìm cách xuất hiện trong tầm mắt của người dùng, nghĩa là bạn sẽ phải biết:
  • SEO: để người khác còn tìm thấy bạn trên cỗ máy tìm kiếm.
  • Adwords: bạn sẽ phải quảng cáo nữa, dù nội dung của bạn tốt điều đó không có nghĩa là bạn nằm trong top 10! Ngay cả khi bạn nói rằng nội dung của bạn đáng ra phải nằm trong top 5. Vấn đề duy nhất của lập luận trên là: Máy tìm kiếm không nghĩ như vậy!
  • Facebook Ads: người Việt Nam rất mê Facebook, hầu như ai cũng có và cũng dùng. Càng nhiều bạn bè dùng họ lại càng muốn dùng nó hơn để giữ liên lạc. Tiếp cận đối tượng của bạn qua Facebook chắc chắn phải được tiến hành.
  • Email: cái này cần thời gian, công sức, nó là cả một nghệ thuật để bạn giữ liên lạc với mọi người. Bạn sẽ phải tìm cách thu thập email, lập lịch gửi, tìm xem phải gửi cái gì, trình bày thế nào, gửi vào lúc nào. Khó hơn cả viết thư cho người tình ấy! Không tin á, thử mà xem!
  • .....
Và rồi thì ngay cả cách phân phối nội dung cũng trở nên cạnh tranh! 

Tôi không đùa đâu: SEO, adwords và facebook ads đều đang rất cạnh tranh đấy ạ, ngày càng nhiều bạn trẻ nắm được các công cụ này. Các đối tượng thành thạo cũng không ít.

Tóm lại chúng ta phải làm gì?

Chúng ta cạnh tranh thôi :)

Vì mọi thứ đều cạnh tranh cao độ, nó giống như cuộc chạy đua 100m hay 200m, chỉ cần khác biệt vài phần trăm giây bạn có thể chẳng có huy chương nào còn anh bạn kế bên đang tươi rói cắn một vật hình tròn màu vàng! (hơi tàn nhẫn nhể).

Tức là chúng ta phải làm tốt tất cả mọi thử, đẩy mọi thứ lên tốt nhất có thể. Chẳng có cái gì đơn lẻ là Vua cả, sức mạnh tổng lực là Vua.

Hãy làm nội dung tốt, tốc độ web tốt, giao diện tốt, seo tốt, quảng cáo tốt, email tốt...