Monday, September 29, 2014

Hướng dẫn tạo List trong MailChimp

Tôi mới sử dụng mailchimp hơn một tháng nay, tuy kinh nghiệm không nhiều nhưng vẫn muốn chia sẻ với các bạn những thao tác cơ bản - có lẽ sẽ hữu ích cho những ai mới lần đầu bỡ ngỡ.

Khi danh sách email của bạn chưa vượt quá con số 2000, bạn vẫn được sử dụng miễn phí những tính năng hết sức mạnh mẽ của mailchimp, do vậy tội gì bạn không thử nhỉ.

Sau khi đăng ký rồi đăng nhập thành công, bạn nhìn sang bên trái, có 3 mục chính cần chú ý:
  • Campaigns
  • Templates
  • Lists
Trong đó cái đầu tiên cần phải khởi tạo chính là Lists - danh sách email của bạn. Cụ thể hãy nhấn vào Create List:

Tạo danh sách đăng ký email

Sau đó bạn điền thông tin của list, ví dụ như dưới đây:

Điền thông tin cho lists

Lời nhắc vì sao họ nhận được thư - thông tin này sẽ xuất hiện dưới mỗi bức thư bạn gửi đi để nhắc cho những người đăng ký nhận biết vì sao họ lại nhận được email từ bạn:

Lời nhắc vì sao họ nhận được thư

Cuối cùng bạn nhấn: Save

Sau đó bạn nhấn vào Signup forms:


Bạn nhấn vào General forms để bắt đầu chuyến phưu lưu của mình. Đầu tiên bạn sẽ thấy dạng form và đường link của đăng ký của form:

Dạng form và đường link đăng ký

Nhìn xuống bên dưới bạn sẽ thấy mẫu của nó như thế này:

Mẫu đăng ký nhận bản tin email

Ở trên là mẫu chuẩn, dĩ nhiên bạn có quyền thay đổi nó, thí dụ thêm bớt các trường, thay đổi màu nền, thêm thông tin hướng dẫn.

Nhấn vào các trường, sẽ có một dấu cộng và trừ hiện ra. Nhấn vào dấu trừ để loại bỏ trường đó, nhấn vào dấu cộng để thêm trường khác vào.

Mẫu chuẩn trên gồm 3 trường là:
  • Địa chỉ email của người muốn nhận tin
  • Tên của người đó
  • Họ của người đó
Thông thường các nhiều trường phải điền thì càng làm giảm khả năng người nào đó muốn gia nhập danh sách email của bạn.

Đơn giản nhất bạn chỉ cần biết địa chỉ email của người đó mà không cần biết tên. Tuy nhiên nếu bạn biết tên thì thư bạn gửi sẽ mang màu sắc cá nhân hơn, tăng khả năng mở thư hơn. 

Tôi cho rằng lý tưởng nhất chỉ cần 2 trường, trường email và trường tên là đủ. Như vậy có lẽ là cân bằng không quá nhiều, không quá ít...

Thực tế ở phần trên chú trọng đến thao tác mà chưa khái quát. Nói chúng tạo list bạn phải chú ý những bước sau (dù bạn đang làm trên mailchimp hay trên công cụ khác):
  • Tạo form điền địa chỉ email, nó bao gồm những trường nào? giao diện ra sao? Cái này rất quan trọng nhé, như tôi vừa giải thích ở phần trên. Ít nhất là có trường email thì rõ rồi, còn trường tên và các trường khác có thể thêm vào hoặc không tùy mục đích. Nhưng nói chung trong đa số trường hợp đừng bắt người dùng nhập quá 3 trường.
  • Gửi email xác nhận. Điều này hết sức quan trọng, dùng để xác nhận đúng địa chỉ email vừa nhập do người dùng điền vào là của họ. Giải thích như thế này sẽ đơn giản hơn: nếu tôi muốn trêu đùa bạn chẳng hạn tôi sẽ điền bừa một địa chỉ email vào để bạn gửi. Nếu bạn không xác nhận địa chỉ đó mà đưa luôn vào danh sách nhận emai thì có khả năng là bạn bị đánh spam vì địa chỉ email kia của người khác và họ không hề muốn nhận email của bạn. Cái xác nhận email này các công cụ email marketing làm sãn cho bạn rồi, bạn cũng chỉ phải sửa giao diện thôi.
  • Thông tin người gửi phải rõ ràng. Đạo luật chống spam yêu cầu bạn phải cập nhật thông tin của bạn rõ ràng (thông tin người gửi email). Thông tin này chủ yếu bao gồm tên công ty/tổ chức, địa chỉ và số điện thoại. Thông tin này sẽ được đính kèm dưới mỗi email bạn gửi đi. 
Tựu chung công thức là như thế, còn thao tác cụ thể thì tùy mỗi nơi một khác. Tẹo nữa tôi lại trình bày tiếp các thao tác bên mailchimp.

Sunday, September 28, 2014

Giới tính thì quan trọng nhưng hành vi còn quan trọng hơn nhiều

Đây là bài viết chém gió, có thể bạn không thấy nó có ích, nhưng tôi vẫn viết, đơn giản vì không thể để nó trong đầu được.

Xin đừng hiểu nhầm là tôi đang tranh luận về giới tính của mình! Tôi đang ám chỉ vấn đề quảng cáo.

Ở đâu đó tôi nói một trong những điểm mạnh nhất của Facebook là mọi người phải đăng nhập thì họ mới dùng được. Và khi đăng nhập có nghĩa là bạn đã cho Facebook biết bạn là ai, giới tính của bạn, tên của bạn, nơi cư trú, sở thích và cả quá khứ nữa...Có những thông tin do bạn khai báo với Face và có những thông tin họ tự thu thập và phân tích.

Google sẽ vất vả hơn trong việc phân tích, đặc biệt là khi có trên một người dùng cùng một máy tính. Tôi từng thấy quảng cáo Kotex khi lướt web trên máy tính bạn gái! Dĩ nhiên Google đang hiểu nhầm tôi là Nữ. Nhưng khó có thể trách Google vì nó không có đủ thông tin, bởi vì khi đó tôi không đăng nhập để tìm kiếm hay lướt web, và nó nhầm tôi với người sử dụng máy tính này thường xuyên hơn.

Có một số quảng cáo nam nữ phân biệt hết sức rõ ràng, ví dụ trên đã nêu rất rõ, tuy nhiên nó chỉ dừng ở mặt sinh lý, còn về mặt tâm lý, chia rành rõi nam với nữ chưa chắc đã là điều hay, ít nhất là trong nhiều trường hợp cũng không phải hiếm lắm.

Điều này đặc biệt xảy đến nếu bạn chủ quan, giả dụ bạn cho rằng người quan tâm đến sữa ăn ngoài của trẻ chỉ là mẹ của bé, trong khi thực tế bố của bé cũng có thể quan tâm.

Vậy khi bạn thấy một người thường xuyên tìm hiểu về sữa trẻ em thì bạn nên phân loại họ là quan tâm tới trẻ em chứ không nên phân loại họ là nữ (tất nhiên trừ khi bạn biết chắc chắn họ là nữ).

Có một cái máy phân tích thật lớn chạy rù rù và đưa ra quảng cáo cho bạn, nó dựa trên quá khứ của bạn thì tốt hơn nhiều dựa trên giới tính. Nếu có gì đó mâu thuẫn thế thì hành vi của bạn sẽ được chọn chứ không phải giới tính.

Giới tính chỉ cho biết về mặt sinh lý, hành vi mới là tâm lý.

Kết thúc chém gió.

Tại sao tôi bắt đầu "quẩy" Email Marketing và tôi đã làm như thế nào?

Như nhiều người khác, tôi bắt đầu tìm hiểu quảng cáo thông qua Google Adwords rồi sau đó là Facebook Ads. Nói thực cả 2 cái trình độ hẵn còn non lắm.

Rồi thì tôi muốn đa dạng hóa kênh quảng cáo hơn, tôi không muốn chỉ giới hạn vào 2 công ty trên, từng để ý đến vài Ad Network ở Việt Nam, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thì thấy nó không thích hợp với kiểu khách hàng kinh doanh nhỏ nên thôi. Nói trắng ra thì tôi thấy đắt gớm.

Đây là giai đoạn đau đầu, tôi buộc phải nghĩ ra cái gì đó khác và hai thứ đập vào suy nghĩ của tôi đầu tiên là Email và Số điện thoại.

Số điện thoại tôi có hàng vài ngàn, đó chính là danh sách khách hàng đã từng mua sản phẩm bên cửa hàng mà tôi phụ trách marketing. Tuy nhiên có vấn đề với số điện thoại, đó là:
  • Nó là thứ rất cá nhân, nó nghĩa là nếu bạn không thân tình với họ thì việc liên hệ thực là vô duyên. Tin nhắn quảng cáo là thứ mọi người rất ghét. Bạn nghe thấy điện thoại tít tít, bạn chờ đợi đó là tin nhắn của ai đó và khi mở ra lại đọc được thông tin quảng cáo, điều đấy thật cụt hứng.
  • Không có nhiều điều để nói thông qua tin nhắn, chỉ có 160 ký tự mà thôi. Bạn muốn nhiều hơn cũng được, nhưng bạn sẽ phải trả thêm tiền!
Đó là lý do tôi nghĩ việc liên hệ thường xuyên với khách hàng thông qua số điện thoại hại nhiều hơn lợi. Bạn có lẽ nên nhắn cho họ khi có chương trình khuyến mại hoặc có cái gì đó thực đặc biệt, còn không thì đứng nhấn nút send.

Vậy là rõ tôi chọn email. Nghĩ một chút thì đây là lý do tôi chọn.
  • Email là thứ cá nhân nhưng không đến mức như điện thoại, hình thức nhận tin qua email cũng không còn xa lạ với mọi người.
  • Bạn có thể nói được nhiều hơn qua email, hơn 160 ký tự rất nhiều, ảnh ọt nếu bạn muốn và quan trọng hơn bạn không phải mất thêm tiền để gửi một bức thư dài và sinh động.
  • Mọi người chủ động nhận tin của bạn chứ bạn không ép họ, do vậy bạn sẽ không bị ghét giống như tin nhắn (cực kỳ hiếm người muốn nhận thông báo qua điện thoại - trừ những dịch vụ rất quan trọng với họ như thông báo thay đổi số dư tài khoản ngân hàng)
Hãy thử tưởng tượng thế này, bạn có 10 ngàn người cung cấp email để bạn gửi tin tức cho họ. Thực sự điều đó rất thú vị. Điều đó nói lên rằng họ đã tin tưởng bạn, chờ đợi bạn, họ bắt đầu yêu bạn. Và có tới 10 ngàn khách hàng tiềm năng. Bạn sắp giàu to!

Nhưng điều khó nhất là: Làm sao để mọi người cung cấp email cho bạn ???

Thực sự nếu bạn đặt các ô nhận bản tin qua email bên cột phải hay cuối mỗi bài viết thì OK thôi nó cũng có tác dụng đấy nhưng sẽ không nhiều. Mất rất nhiều thời gian để bạn có nổi 100 email chứ chưa nói tới 10 ngàn.

Và bí quyết là ở đây, đó là công nghệ exit-intent technology, công nghệ nhận biết ý định thoát trang. Nghe hoành tráng vậy thôi, nhưng ý tưởng của nó chỉ đơn giản là khi khách hàng định thoát khỏi trang web nào đó sẽ có một popup bật ra thông báo họ có muốn nhận tin từ website không.

Sau khi biết hàng tá kiểu popup gây phiền toái đây là loại mà tôi thấy có ích nhất. Bật ra đúng thời điểm.

Và bởi vì popup bao giờ cũng gây chú ý nên chắc chắn khách hàng sẽ nhìn thấy nó rồi, chỉ còn vấn đề có nên cung cấp email hay không?

Cái này sẽ phụ thuộc vào nội dung của bạn, nếu web bạn hay, có nhiều thông tin cập nhật thì dĩ nhiên khách hàng muốn nhận bài viết mới mà bạn gửi tới email của họ. Do vậy trước khi làm email marketing tôi cho rằng bạn phải làm content marketing trước. Cá nhân tôi hàng tháng cũng phải đầu tư tiền thuê người tạo content.

À ha, từ nãy giờ tôi quên mất một điều, tool để tạo ra cái popup kỳ diệu ấy. Về cơ bản thì có 2 cách:
  • Sử dụng các dịch vụ trung gian, bạn chỉ cần copy đoạn code rồi nhét vào web, đa số họ tính theo lượt view, cũng phải cỡ vài chục đô một tháng chứ không ít (picreel.com, exitintent.io,...). Có loại hàng khủng còn vài ngàn đô một tháng (bounceexchange.com)
  • Nếu dùng Wordpress bạn sẽ có vài plugin trong tầm ngắm, cá nhân tôi thì xài OptinMonster (optinmonster.com), đợt mua cũng xót như muối, nhưng thôi thì dù sao nó còn rẻ hơn kiểu trên.
Bản thân các công cụ trên chỉ là tool giúp bạn có được danh sách email còn để gửi email bạn sẽ phải sử dụng công cụ khác, nếu lấy Gmail để gửi sẽ không tốt lắm vì nó có giới hạn số lượng email gửi hàng ngày cũng như không có nhiều thông tin phân tích chiến dịch email mà bạn triển khai, chẳng hạn có bao nhiêu người bấm vào đường link trong email bạn gửi.

Cá nhân tôi sử dụng mailchimp để thiết lập chiến dịch, đây là dịch vụ email marketing khá chất và rất nổi tiếng. Nó miễn phí cho việc quản lý danh sách tới 2000 email, trên con số này sẽ bắt đầu thu phí. Thực tình mà nói, với người Việt Nam thì giá khá là chát, hàng tháng ít nhất là vài chục đô lận, tính ra tiền triệu chứ chẳng chơi.

Mailchimp thì tôi vẫn đang nghiên cứu tiếp nên không có nhiều điều để nói, về đại thể thì thấy nó rất tốt, nhiều tính năng, thích nhất là các thống kê phân tích - đây có thể là yếu tố quan trọng nhất mà bạn muốn bỏ hầu bao.

Cuối cùng đây là một số lời khuyên nhỏ nhỏ:
  • Quý danh sách email như ví tiền của bạn.
  • Đừng trao đổi danh sách email với người khác. Khách hàng chỉ muốn bạn liên hệ với họ chứ không phải người khác. Nếu bạn vi phạm nguyên tắc này bạn có thể mất tất cả.
  • Đừng spam. Nếu không tin bạn cứ thử xem điều gì sẽ xẩy ra!!!
  • Hãy công bố tần số gửi email của bạn, và nếu có thể hãy cho họ chọn tần số. Đừng gửi quá nhiều hay quá ít. Nếu 1 tháng bạn không gửi cho họ nổi 1 email thì thế là quá ít.
  • Hãy gửi cho họ những thứ thực sự có ích. Vì nếu không họ sẽ có cảm giác là bạn lừa họ.
  • Đừng chăm chăm chỉ gửi email với mục đích bán hàng. Bởi vì nếu thế bạn sẽ mất giá trị dần dần.
  • Hãy có những template chuẩn chỉnh để email bạn gửi trông thực đẹp và dễ điều hướng theo ý.

Hướng dẫn Remarketing trên Facebook

Bạn đã nghe câu nhất cự ly nhì cường độ rồi phải không? Một cái gì đó lặp lại thường xuyên và lại đúng lúc và đúng thời điểm nữa sớm hay muộn bạn sẽ khó từ chối nổi sức mạnh của nó.

Remarketing dịch nguyên nghĩa là marketing lại - bản thân từ này đủ cho bạn hiểu nôm na nó là cái gì? Một cách đơn giản remarketing là sự lặp đi lặp lại thường xuyên thông điệp quảng cáo tới khách hàng mục tiêu, đến nỗi mà họ sẽ phải mua hàng của bạn!

Nếu bạn từng truy cập website nào đó vào ban sáng, thế rồi chiều tối về nhà bạn vô Facebook, ồ la la, bạn thấy quảng cáo của họ trên News Feed! Sao mà kỳ vậy! Anh bắt đầu để ý đến chú rồi nhé!

Không có gì kỳ cả, điều ngược lại đang xảy ra, họ đang chú ý tới bạn! Doanh nghiệp đó đang sử dụng remarketing.

Có một thống kê như này: Có từ 70% tới 96% người truy cập vào website của bạn sẽ không bao giờ quay trở lại nữa! Có 2 vấn đề:
  • Nếu họ đã truy cập website của bạn thì ít nhiều họ đang quan tâm đến sản phẩm dịch vụ của bạn. Họ có thể trở thành khách hàng!
  • Nếu họ không quay lại web của bạn, khả năng họ thành khách hàng của bạn gần như là 0.
Con số 0 chỉ tuyệt nếu nó đứng sau các số khác, nếu đứng một mình nó làm tất cả những người làm kinh doanh sợ hãi!

Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng trên.

Câu trả lời nằm ở chỗ Facebook cho chúng ta tạo được danh sách những khách hàng tiềm năng thông qua một cách nào đó. Bạn có thấy nó hao hao giống Fanpage không, Fanpage chẳng qua là tập những người Like trang của bạn.

Facebook hiện có 4 cách để xây dựng danh sách khách hàng, đó là:

remarketing facebook

Thường thì bạn quan tâm đến cái cuối cùng: Đối tượng Tùy chỉnh từ trang web của bạn. Cái này chính là cái mà tôi nói ở trên, nó sẽ thu thập danh sách những ai vào trang web của bạn.

Thí dụ là như này, Facebook của tôi là: https://www.facebook.com/anhducnguyen87 , khi tôi đang đăng nhập Facebook rồi lượn trang web bán hàng abcdef.com chẳng hạn. Nếu họ cài đặt remarketing Facebook trên trang của họ thì họ sẽ thu thập được ID người dùng của tôi, nghĩa là tôi sẽ nằm trong danh sách quảng cáo của họ khi họ cần.

Làm thế nào để thực hiện điều trên, bạn chỉ cần lấy đoạn code mà Facebook cho rồi đưa vào web. Đầu tiên từ giao diện cá nhân truy cập vào phần Quản lý quảng cáo - chọn Đối tượng, tiếp theo nhấn vào Tạo đối tượng - Đối tượng tùy chỉnh:

tạo đối tượng tùy chỉnh

Tiếp sau đó chọn kiểu đối tượng (trong ví dụ này là những người truy cập vào web) rồi cài đặt cho tập đối tượng của bạn:

Cài đặt thông tin marketing lại

Các thông tin bạn phải điền bao gồm:
  • Tên đối tượng: nghĩa là tên tập khách hàng bạn muốn đặt
  • Lưu lượng truy cập trang web: có 4 quy tắc và bạn có thể kết hợp chúng với nhau, thường thì bạn sẽ quan tâm tới quy tắc truy cập vào trang web cụ thể và truy cập vào tất cả trang web của ban. Bạn có quyền chọn URL mình muốn.
  • Cuối cùng: đây cũng là thông tin vô cùng quan trọng. Nghĩa là các thông tin của khách hàng sẽ chỉ được lưu giữ trong vòng 90 ngày. Con số này bạn có thể thay đổi được nhưng nó có mức tối đa là 180 ngày đối với Facebook. Như vậy nếu trong vòng 90 ngày khách hàng không có bất kỳ tương tác nào thêm nữa thì họ sẽ bị loại. Điều này tưởng như không tốt khi danh sách khách hàng của bạn mất đi một người, nhưng thực tế nó lại là điều hay. Bạn còn muốn gì nữa sau 90 ngày tán tỉnh một cô nàng nhưng đến một cái liếc nhìn cô ấy cũng không dành cho bạn, không chát, không trả lời tin nhắn, không gì hết! Tốt nhất bạn hãy tìm người khác!
Sau đó họ sẽ cho bạn đoạn mã pixel giống như hình dưới đây, hãy cho nó vào trong cặp thẻ <head></head>
Lấy mã Pixel

Có thể bạn không hiểu thẻ head là gì! Nếu đúng là như vậy hãy nhờ anh chàng nào đó trong công ty hiểu biết về web. Thường thi bên quản trị web sẽ lo việc này cho bạn, không có gì khó khăn cả.

Tuyệt hơn nữa nếu bạn có am hiểu chút ít về HTML, bởi vì với người làm marketing online việc sờ mò vào web và code web tương đối thường xuyên (bạn sẽ không phải code đâu chỉ copy và paste thôi). Điều này dĩ nhiên sẽ là điểm cộng cho bạn về năng lực chuyên môn.

HTML là thứ dễ nhất trong web (đó là lý do vì sao tôi học nó!) bạn sẽ không mất nhiều thời gian đâu, bản thân trang web này có khá nhiều bài viết về HTML cho bạn tham khảo.

Một số chia sẻ cuối bài:
  • Bạn có thể cần phân loại đối tượng khách hàng của bạn, đặc biệt khi website của bạn bán nhiều sản phẩm.
  • Hết sức chú ý đến số ngày mà bạn muốn lưu giữ khách hàng, thường thì người ta khuyên con số này nên là chu kỳ mua hàng của khách. Tuy nhiên bạn cũng nên tham khảo thêm và tự điều chỉnh để đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Có được danh sách khách hàng tiềm năng giống như bạn đang đứng trước cơ hội sút phạt 11m, khả năng thành bàn thắng rất cao, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc, nếu bạn thất bại - đấy gần như là lỗi của bạn.