Monday, March 31, 2014

Nguồn gốc ngày cá tháng tư 1 - 4

Cá tháng tư là một ngày đặc biệt thú vị, chúng ta có thể nói dối người khác mà không bị họ giận dữ, nó giống như câu chuyện đùa để sau đó cả hai cùng vui vẻ. Nhưng không phải ai cũng biết ngày Cá tháng tư ra đời như thế nào?

Trước đó mọi người cho rằng Cá tháng tư có nguồn gốc từ Pháp vào khoảng thế kỷ 16 dưới sự trị vì của vua Charles IX.

Vua Charles IX

Tuy nhiên cách đây 11 năm nhà khảo cổ học người Ý Pirlo Florenzi đã tìm thấy tập tài liệu cổ ở ngôi làng thuộc Kazan bên cạnh dòng sông Volga của Nga - con sông dài nhất châu Âu. Cuốn tài liệu cho thấy ngày Cá tháng tư (День смеха) đã được quy định dưới thời cai trị của Đại Đế Pioto A lechxevic Romanop (Пётр Алексе́евич Рома́нов) cách đây 15 thế kỷ. Luật còn ghi lại rằng, mọi người chỉ được nói dối cho đến khi mặt trời lặn vào ngày hôm đó, những ai vi phạm sẽ bị phạt một tháng đắp đê chống tràn bờ - vốn là công việc rất vất vả thời bấy giờ.

Sông Volga

Không rõ thế nào, ngày Cá tháng tư dần lan rộng ra Đông Âu rồi cả lục địa Châu Âu rộng lớn. Đến thế kỷ thứ 10, nước Anh là nước cuối cùng ở Lục địa già du nhập ngày truyền thống này. Một số ghi chép được tìm thấy ở Xứ sở sương mù còn nói rằng người dân ban đầu phản đối kịch liệt ngày ngoại lai nhưng sau đó lại tỏ ra rất hứng thú...

Trong phát hiện mới, các nhà lịch sử Trung Hoa nói rằng, chính nước họ mới là nơi khởi nguồn của Cá tháng tư. Các thẻ tre được tìm thấy ở ngôi mộ cổ tại Tùng Giang thành phố Thượng Hải có niên đại 25 thế kỷ có thuật lại rất rõ về ngày mà mọi người có thể "bịa đặt thoải mái" (愚人节).

Thẻ tre thuật lại về ngày bịa đặt

Lịch của Trung Quốc thời đó không phải là Tây lịch, nhưng khi họ đối sánh để chuyển đổi lại thì có sự trùng khớp không phải ngẫu nhiên, nó cũng rơi vào ngày 1 - 4.
Các nhà lịch sử phương Tây không hoàn toàn đồng ý, họ công nhận các bằng chứng là thực (dù vẫn nghi ngờ vì các thẻ tre trông quá mới), nhưng phản bác lại rằng "ngày bịa đặt" chỉ là lễ hội ở một ngôi làng rất nhỏ của Trung Quốc và chưa bao giờ lan rộng ra thành phố Thượng Hải chứ chưa nói gì đến cả nước.

Toàn bộ câu chuyện chỉ được sáng tỏ trong phát hiện hết sức tình cờ của cậu bé nhặt rác 12 tuổi người Ấn Độ Daman Perlo Kaur. Cuốn tài liệu mà cậu nhặt được là bằng chứng rất rõ ràng mà không một nhà lịch sử nào có thể phản bác.

Thuyền trên sông Hằng

Thực ra, Cá tháng tư bắt nguồn từ sự sợ hãi một loài cá khổng lồ thường xuyên tấn công ngư dân vào những ngày cuối tháng 3 bên cạnh dòng sông Hằng (Ấn Độ). Những con cá có kích thước được mô tả dài tới hơn 5m có những cái vây sắc nhọn thường tụ tập thành đàn khoảng gần 20 con và tấn công vào các thuyền mà chúng gặp.

Đàn cá có thủ lỉnh, điều kỳ lạ - chính cá đầu đàn không tham gia trực tiếp vào cuộc tấn công. Các ngư dân kể lại, con cá thủ lĩnh đứng cách đó vài chục mét, nó nhô lên và chỉ quan sát. Cá thủ lĩnh có cái đầu xám và 2 mắt rất to màu đỏ lửa.

Không thể có biện pháp hiệu quả ngăn chặn đàn cá hung dữ, ngư dân đã sơn chính con thuyền giống y cá thủ lĩnh, họ làm ở 2 mũi thuyền hình đầu cá. Khi đàn cá tấn công, các ngư dân sẽ cho thuyền đứng im không di chuyển và các con cá lính bắt đầu nhầm lẫn, nó không tấn công thuyền nữa.

Lúc này cá thủ lĩnh thực không thể bình tĩnh, nó bắt đầu di chuyển đến gần thuyền (trong khi các cá lính đứng im), khi ấy toàn bộ ngư dân trên thuyền đã chuẩn bị sẵn vũ khí, cá thủ lĩnh thường tấn công vào mũi thuyền và họ để sẵn 2 cái mác rất sắc ẩn dưới đôi mắt giả...

Sau khi cá thủ lĩnh chết, điều hết sức bất ngờ là toàn bộ đàn cá lính sẽ ăn thịt con này rồi bỏ đi mà không tấn công thuyền nữa. Ngày nay, bộ xương cá duy nhất của cá thủ lĩnh vẫn còn được lưu lại ở viện bảo tàng sinh vật học tại Mumbai, các nhà sinh vật học khẳng định nó thuộc giống cá Chép khổng lồ Mekong.

cá Chép khổng lồ

Các ngư dân đã khắc chế thành công bằng cách "lừa dối" đàn cá lính, và họ gọi tháng 3 là "tháng lừa cá", cuối cùng sau khi loài cá này mất dần, ngư dân không còn gặp nguy hiểm. Để kỷ niệm, người dân lập ngày truyền thống 1 - 4 để vui đùa.

Nhưng tại sao ngày này lại di chuyển sang Nga?

Vào thế kỷ thứ 3 có rất nhiều người Ấn Độ di dân sang Nga, họ lập nhiều ngôi làng nhỏ bên cạnh sông Atil (tên cổ của sông Volga ngày nay) và chính họ đã truyền lại ngày truyền thống này cho người bản xứ để rồi nó lan rộng ra toàn thế giới.

Chú ý: bài viết này được thực hiện vào ngày Cá tháng tư :))

No comments:

Post a Comment